PsyBooks - Con đường chẳng mấy ai đi của M.Scott Peck


Con đường chẳng mấy ai đi (The Road Less Traveled) được viết bởi tác giả M. Scott Peck, xuất bản lần đầu năm 1978. Ông là một bác sĩ Y khoa, chuyên ngành tâm thần học, ông viết cuốn sách này sau từ những năm tháng trải nghiệm thực hành trị liệu cá nhân cho các thân chủ của mình. Trong một vài tình huống, độc giả sẽ thấy M.Scott Peck sử dụng từ “bác sĩ tâm lý” cho những người làm tham vấn trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, mình nghĩ điều đó không làm mất đi những giá trị mà cuốn sách đem lại. Cuốn sách xoay quanh chủ đề phát triển bản thân thông qua kỷ luật, tình yêu, tâm linh và những trải nghiệm siêu nhiên. 

Cuốn sách “Con đường chẳng mấy ai đi (The Road Less Traveled)” bao gồm 4 phần chính:

Phần 1: Kỷ luật

Trong phần này, Peck xem kỷ luật như một công cụ thiết yếu để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. M. Scott Peck nhấn mạnh rằng kỷ luật không phải là sự trừng phạt, mà là một công cụ cần thiết để đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Ông đưa ra bốn kỹ năng kỷ luật chính:

  • Trì hoãn ham muốn: là quá trình sắp xếp giữa thứ ta thích làm và thứ ta phải làm, là khả năng hoãn lại những niềm vui ngắn hạn để đạt được những mục tiêu dài hạn. Peck giải thích rằng, những người thành công thường có khả năng trì hoãn sự hài lòng tốt hơn những người khác.Ông cũng đề cập đến việc cha mẹ dạy con cái trì hoãn sự hài lòng bằng cách không đáp ứng mọi yêu cầu của chúng ngay lập tức. Điều này giúp trẻ học cách kiểm soát bản thân và phát triển khả năng chịu đựng sự thất vọng. Ví dụ: Thay vì xem TV, họ chọn học tập hoặc làm việc để đạt được thành công trong tương lai.

  • Sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm: là khả năng nhận ra vai trò của bản thân trong những vấn đề của cuộc sống, nhận biết và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc đời mình, đồng thời phải có khả năng từ chối nhận những trách nhiệm không thuộc về mình. Ở phần này, tác giả có phân tích về 2 xu hướng chính của con người gặp vấn đề trong cuộc sống là không bao giờ nhận trách nhiệm - đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh, người khác,...hoặc nhận lấy quá nhiều trách nhiệm về mình. Peck cho rằng một người trưởng thành buộc phải trải qua một chuỗi liên tục những lựa chọn và tự đưa ra những quyết định cá nhân để giải quyết vấn đề, họ cần học cách nhận đúng trách nhiệm về hành động của mình.

  • Tôn trọng sự thật: là khả năng đối mặt với sự thật, dù nó có đau đớn đến đâu. Peck cho rằng, những người trưởng thành không trốn tránh sự thật hoặc sống trong ảo tưởng. Họ dám nhìn nhận thực tế, sẵn sàng đón nhận thử thách và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc chấp nhận sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì vậy tác giả nêu ra một số đề xuất giúp giữ mình trung thực như:

  • Đừng bao giờ nói điều mình thấy là sai.

  • Việc gia giảm sự thật có thể trở thành một lời nói dối, nên mỗi khi cần làm vậy thì phải xuất phát từ những trường hợp có ý nghĩa tốt về mặt đạo đức

  • Quyết định gia giảm sự thật không nên dựa vào nhu cầu riêng tư, chẳng hạn như nhu cầu quyền lực, nhu cầu được yêu thích hoặc nhu cầu bảo vệ quan điểm cá nhân, cần phải được cân nhắc dựa trên nhu cầu của những ai chịu ảnh hưởng bởi quyết định đó.

  • Đánh giá thế nào là “dựa trên nhu cầu của người khác” là một hành động đầy tính trách nhiệm và phức tạp đến mức chỉ có thể được thực hiện khi đảm bảo rằng ta đang hành động với lòng yêu thương chân thành.

  • Yếu tố tiên quyết để đánh giá nhu cầu của người khác là đánh giá khả năng người đó có đủ khả năng vận dụng những điều ta nói ra vào quá trình trưởng thành hay không. 

  • Cuối cùng, cần nhớ rằng chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá thấp khả năng nhận thức và trưởng thành tinh thần của người khác, nhất là với những người ta gần gũi nhất.

  • Cân nhắc trước sau: là khả năng linh hoạt và phán đoán trước các tình huống trong cuộc sống. Để đạt được sức khỏe tâm lý vững vàng, chúng ta cần có khả năng cân nhắc giữa các nhu cầu, mục tiêu, bổn phận, trách nhiệm,... đối lập nhau một cách linh hoạt. 

Peck cho rằng, kỷ luật là một quá trình học tập và rèn luyện. Nó không phải là một điều tự nhiên mà chúng ta có được. Tuy nhiên, bằng cách thực hành những kỹ năng kỷ luật này, chúng ta có thể trưởng thành hơn và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Tóm lại, phần đầu tiên của cuốn sách đặt nền móng cho việc hiểu rằng, để có được một cuộc sống ý nghĩa, mỗi người cần phải có tính kỷ luật.


Phần 2: Tình yêu

Ngay phần đầu tiên, Peck định nghĩa tình yêu là: Tình yêu là ý chí mở rộng lòng mình để rèn luyện sự trưởng thành tinh thần cho chính mình hoặc cho người khác. Peck phân biệt rõ ràng giữa "Phải lòng/Si mê" và "Tình yêu”. Phải lòng là một cảm xúc thụ động, ngắn ngủi và có thể liên quan đến hấp dẫn tình dục. Phải lòng không phải là hành động của ý chí, không phải một lựa chọn có ý thức, không phải là sự mở rộng ranh giới bản ngã, không thúc đẩy quyết tâm phát triển tinh thần. Ngoài ra, phải lòng dễ khiến chúng ta bị cuốn vào ảo tưởng về một mối quan hệ là mãi mãi. Tình yêu là một hành động, phải có khả năng suy xét, có yếu tố ý chí, đưa ra các quyết định khó khăn và cam kết trách nhiệm. Tình yêu đích thực đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh và cam kết. Tình yêu là sự quan tâm đến sự phát triển tinh thần của người khác. Tình yêu đòi hỏi sự lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận. Tình yêu có thể bao gồm cả sự xung đột và mâu thuẫn. Ông cho rằng, hôn nhân viên mãn và lâu bền chỉ có thể tồn tại giữa hai cá thể độc lập và vững vàng. Peck cũng phân biệt tình yêu đích thực với các dạng tình cảm khác như sự lệ thuộc và yêu bản thân thái quá.

Phần 3: Trưởng thành và tôn giáo

Theo Peck, khuynh hướng định nghĩa hai chữ “Tôn giáo” quá hạn hẹp, nó thường bao gồm niềm tin vào một Thượng Đế nào đó hoặc phải gắn liền với một nghi lễ nào đó hoặc phải tham gia vào một nhóm tín đồ nào đó. Ông cho rằng, nhận thức về thế giới chính là cơ sở về tín ngưỡng. Ai cũng có thế giới quan riêng, dù hạn hẹp, thô sơ hay phiến diện, nên mỗi người sẽ lựa chọn có một điểm tựa tinh thần riêng. Tất cả mọi người đều tôn thờ một niềm tin cốt lõi, một tín ngưỡng, hay một tôn giáo. 

Trưởng thành là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự tự nhận thức, khám phá bản thân và sẵn sàng thay đổi. Đó là hành trình vượt khỏi thế giới nhỏ hẹp của bản thân để bước vào thế giới rộng lớn. Peck nhấn mạnh vai trò của vô thức trong việc hình thành hành vi và cảm xúc của chúng ta. Việc khám phá và đối diện với vô thức là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành. Tôn giáo có thể như một công cụ hỗ trợ cho sự trưởng thành tinh thần, cung cấp cho chúng ta một hệ thống giá trị, một cộng đồng hỗ trợ và một nguồn cảm hứng.

Phần 4: Phước Lành

Phước lành là những điều tốt đẹp bất ngờ xảy đến với chúng ta, không thể lý giải được. Peck cho rằng phước lành có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, chữa lành những vết thương và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Việc mở lòng đón nhận phước lành là một phần quan trọng của sự trưởng thành tinh thần.

“Con đường chẳng mấy ai đi" là một cuốn sách sâu sắc và đầy thách thức, nhưng cũng đầy hy vọng và cảm hứng. Peck đã mang đến cho người đọc những công cụ và kiến thức cần thiết để đối mặt với những khó khăn của cuộc sống và hướng đến một cuộc sống trọn vẹn hơn. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới và tiếp tục là một tác phẩm kinh điển về tâm lý học và sự trưởng thành tinh thần.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PsyBooks - Trắc ẩn với chính mình của Kristin Neff & Christopher Germer

PsyBooks: Self Compassion - The Proven Power of Being Kind to Yourself của Kristin Neff