Viết cho những tháng ngày rong ruổi - P.2: Lên kế hoạch cho những điều không thể!

Giấc mơ tuổi 23”
Tôi có thói quen lục tìm điều cũ kỹ rồi gặm nhấm kỷ niệm ấy, cho dù là ngọt ngào hay những trải nghiệm đắng cay. Khoảng 1 tháng trước đây không vậy, tôi lục tìm email cũ để làm việc, và vô tình nhặt được điều bí mật tôi viết, viết cho giấc mơ xa xôi nhỏ bé, cho tôi tương lai của tuổi 23, đọc lại mà thấy dạt dào quá, vô tư quá, đáng yêu vô cùng.
Ở cái tuổi mà bạn bè đang lao vào các tập đoàn lớn hoặc học cao hơn, thì tôi còn mơ màng về tương lai, và mơ mộng về những điều không thể, giấc mơ “Tận hưởng cuộc sống”, giấc mơ “Vòng quanh thế giới”. Nhớ 1 năm trước đó, đã giấu diếm bố mẹ trốn đi ngao du hơn 3 tháng, chuyến đi mà có lẽ để dành đến lúc có tiền thì không biết khi nào mới có thể đi. Vì thế, tôi lại hì hục vẽ ra một kế hoạch mới vào một buổi tối đầu tháng 3 năm đó (2013), sau đó gửi đi tứ tung để tìm bạn đồng hành. Người đầu tiên tôi nhớ ra là Trang, và Trang cũng là người đầu tiên từ chối, bạn chuẩn bị lấy chồng, nhưng một lần nữa Trang lại là người đặt điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình này. Sau đó đã có vài phản hồi tích cực và tôi tìm được 3 bạn đồng hành trong 3 chặng khác nhau.
Vẫn mang theo tinh thần đi rồi sẽ tới, hồn nhiên vô tư và không biết sợ điều gì, kể cả thiếu tiền. Nhưng khác với lần trước, tôi đã tự mình xây dựng kế hoạch, lộ trình (có những kinh nghiệm được rút ra từ chuyến đi trước). Tôi còn dũng cảm thuyết trình và xin phép bố mẹ về sự vắng mặt của mình trong khoảng 3 tháng hoặc hơn trong thời gian tới. Thật sự rất hiểu tôi, bố mẹ biết điều tốt nhất nên làm là ở bên cạnh ủng hộ, dù ông bà đã lo lắng rất nhiều, có lần mẹ đã khóc khi điện hỏi xem tình hình của tôi như thế nào. Sau này tôi mới biết đó không phải lần đầu và nó không nói được hết nỗi lòng của bà khi nghĩ đến tôi lúc đó. Nhưng tôi của khi đó như con Én nhỏ, háo hức bay ra khỏi vùng biển quen thuộc, chỉ nghĩ về điều mình thích làm và bất chấp hậu quả.
“Điện Biên và những cảm xúc mới”
Đó là một ngày cuối tháng 4, trải qua 8 tiếng trên chiếc xe hai tầng (thật sự rất say luôn), sáng sớm tôi đã đến được bến xe của thành phố Điện Biên. “Không khí rất đẹp, se lạnh, nhưng sảng khoái” - trong quyển nhật ký của tôi viết vậy, có lẽ là vậy. Điện Biên có gì, có tất cả những điều ghi trên bất kỳ bài viết nào về du lịch Điện Biên, tôi cũng đã xem, nghe và nhìn tất cả tất cả những chiến công, di tích của ông cha chúng ta một thời. Có chút bồi hồi, có chút lo sợ, xúc động và rất rất nhiều biết ơn khi tôi có thể đứng đây và bảo toàn tính mạng của mình.
Tôi ở nhờ nhà bác là chị gái của mẹ Trang, ngôi nhà ống nhỏ nhưng ấm cúng, Bác nấu cơm rất ngon. Quốc bộ xung quanh tp cũng chỉ 2 ngày là tôi thấy đủ. Mượn được cái xe đạp của Bác, tôi phi thẳng lên cửa khẩu Tây Trang, nhưng không tới được vì đèo quá cao, không có sức. Trên đường trở về thành phố, lượn lờ qua mấy điểm du lịch địa phương và đi vào khu thôn bản cũng chill phết. 1 ngày sau đó, tôi rời Điên Biên tôi lên Mường Chà nhỏ bé, xinh đẹp.
Như dự kiến lúc đầu, để chuyến đi thêm trải nghiệm mới, tôi quyết định đi bộ từ thành phố Điện Biên lên Mường Chà (cỡ khoảng 60km, khởi hành lúc 4 giờ sáng, dự kiến tối sẽ tới nơi). Cũng không tệ, tôi đi nhờ được 2 lần, giảm bớt già nửa quãng đường. Chuyến đi thật sự nhiều cảm xúc, đã có lúc tim tôi gần như rụng rời, và nghĩ nếu mình có mất xác ở đây cũng là điều dễ hiểu. Mồ hôi chảy vì mệt thì ít mà chảy vì sợ thì nhiều. Tôi đã luôn cố gắng giữ một niềm tin Mường Chà chỉ ở sau khúc cua kia thôi, thêm một khúc nữa thôi, một khúc nữa là tới rồi,... Cho đến khi Mường Chà thật sự hiện ra trước mắt, thực sự vỡ òa (lúc đó khoảng hơn 12 giờ trưa). Đến Mường Chà, tôi ở nhờ nhà em họ một người bạn và đã gặp chị gái của Trang Maruko. Hậu quả của việc đi bộ là chấn thương cổ chân, tôi phải ở lại Mường Chà khoảng hơn 2 tuần, lâu gấp 3 lần so với kế hoạch. Chỉ sau 2 ngày ở thị trấn Mường Chà, cả tập thể dân tộc Kinh ở đây đã biết về câu chuyện: “Cô gái một mình đi bộ từ tp Điện Biên lên Mường Chà còn nguyên vẹn” và “giời ơi, thế nó không sao à? may thế” - đó là phản ứng của bà con. Sau đó, tôi được nghe nhiều câu chuyện xảy ra trên đoạn đường hẻo lánh và đầy nguy hiểm đó. Đúng vậy, tôi có thể hiểu và hình dung ra những chuyện đó. Cho đến giờ tôi vẫn thấy bản thân lúc đó thật sự liều lĩnh, ngốc,... và rất nhiều rất nhiều may mắn để có thể ngồi đây bây giờ, nhưng không hối tiếc.
Mường Chà giống bao vùng quê bình yên, trong lành khác, mới đến thì không nỡ đi, ở một thời gian lại thấy hơi nhàm, ở lâu quá thì ngại chả muốn đi nữa. Ở Mường Chà khá lâu, nên tôi được đi nhiều, được lên trường học, lên nương, lên rẫy, bắt cá ven sông, thậm chí đổ đèo vào Na Sang chơi và hái Mận. Đến giờ tôi vẫn thắc mắc, mận chúng tôi hái chỉ để được 2 ngày là mềm hết rồi, sao người ta có thể để mận bán từ ngày này qua ngày khác vẫn tươi, giòn, ngon đến thế. Không biết tại sao, từ đó tôi ít ăn mận hẳn đi. Đi nhiều không còn thấy đau chân nữa là đến lúc xách balo lên rồi, dù có đôi chút không nỡ.
Rời Mường Chà và tạm dừng chân tiếp theo là Lai Châu, chặng này thì đi ô tô thôi vì tuy vẫn điếc nhưng đã biết sợ súng rồi. Ngoài chuyện tôi say lả lớt, nôn cả ra mật vàng và có lúc cảm thấy thật sự kiệt sức hơn cả chặng đi bộ trước, thì từ lúc một gia đình người dân tộc thiểu số (chính hiệu) lên xe với các túi vải không sạch sẽ cho lắm, đã có một câu chuyện khác bắt đầu. Có một nhóm người, có lẽ là dân tộc Kinh hoặc là không, bắt đầu chế giễu, trêu trọc, bắt nạt và người ta thu tiền của gia đình kia nhiều hơn so với những người khác. Tôi và những người khác đã nghĩ họ không hiểu tiếng phổ thông, nhưng 1 trong 2 em bé được đi học và hiểu những điều người khác đang nói về gia đình mình. Tôi có thể nghe thấy em ý nói “không phải như thế” (nói nhỏ) với ánh mắt hằn học, tức giận, và bất lực. Có lẽ tôi hiểu cảm giác đó và thấy sợ ánh mắt đó, sợ cái cách người ta dùng ngôn từ miệt thị nhau chỉ vì những điều khác biệt. Những lời nói đùa cho vui ấy, có thể giết chết một mối quan hệ, một tâm hồn, thậm chí là cả một con người mà không để lại chút thương tích nào. Sau này, tôi dần nhận ra, không chỉ là nói đùa, đôi khi chúng ta gọi tính thẳng thắn (hay sự góp ý thật lòng) cũng nguy hiểm tương tự vậy. Thẳng thắn rất đáng quý, nhưng thẳng thắn không đúng cách vừa không thể hiện được sự chân thành vừa đẩy đối phương ra xa hơn và chính là cách nhanh nhất để giết chết mối quan hệ. Chặng đường dài không mấy vui vẻ kết thúc khi tôi đến bến xe của thành phố Lai Châu.
Có thể là quá mệt, hoặc cũng không mấy hứng thú, nên tôi quyết định không ở lại thành phố Lai Châu lâu, ngay ngày hôm sau tôi bắt xe đi Sapa.
Hoàn thành được một nửa kế hoạch của đợt I với khoảng hơn 3 tuần, khép lại một chương trải nghiệm một mình, mở ra một hành trình mới thú vị ở Sapa và thành phố Lào Cai với người bạn đồng hành đầu tiên: Bảo Ngọc Xinh đẹp - Để dành sang năm viết tiếp.
Hà Nội, 19/01/2020
& HPBD to me







Chuyến đi bắt đầu từ trốn chạy


Sau khi trở về với Hà Nội bao xa cách, tôi tìm việc, và bắt đầu đi làm như bao bạn trẻ khác. Công việc mang ý nghĩ tạm bợ về mọi mặt. Vì thế mà tôi liên tục tìm kiếm những cơ hội mới hơn nhưng hầu như đều không qua được vòng phỏng vấn. Tôi của lúc đó buồn chán, sợ hãi, tự tin, cảm thấy bản thân thật tồi tệ, xấu hổ. Đại học hình như chỉ chôn vùi tôi thêm lần nữa thôi. Tôi chán ghét chính cả bản thân mình, và cố bám riết lấy công việc hiện có dù cảm thấy nó không phù hợp, thực sự không phù hợp về chuyên môn, môi trường, sếp to sếp nhỏ, đó không phải là công việc dành cho một cử nhân tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế của Kinh tế quốc dân. Sau 10 tháng, sức chịu đựng đến giới hạn, tôi từ bỏ và tìm đường chạy trốn. Trốn Hà Nội, trốn bạn bè có bước đầu thuận lợi, trốn những lời hỏi thăm của anh em họ hàng, trốn cả bản thân vào chuyến đi xa lần nữa. Với lý do là muốn được tìm hiểu, được khám phá đất nước. Sau bao năm trưởng thành hơn, tôi mới nhận ra tôi của năm đó thực ra là chạy trốn, nhưng cũng không tồi, chạy đến những nơi vô cùng tuyệt vời. Tháng 3 năm đó (2013), tôi nghỉ việc để chạy trốn. Không lén đi như lần trước, tôi về nhà và trình bày về kế hoạch chạy trốn của mình cho bố mẹ, và ra đi bất chấp mọi thứ.

Lựa chọn đầu tiên là Điện Biên - Tây Bắc




Ngồi và nằm trên xe ở bến nước ngầm khoảng 8 tiếng đêm là tới tp Điện Biên rồi.
Dù khách du lịch cũng khá nhiều nhưng có thể do trải qua những trận đánh khốc liệt nên tp Điện Biên khá yên bình.
Dù là TP được chú trọng phát triển kinh tế, nhưng nét vùng cao Tây Bắc không thể bị xóa nhòa. Trong thành phố số người dân tộc hoạt động nhiều hơn người Kinh rất nhiều. Đồ ở chợ cũng chủ yếu của người dân tộc. Tôi còn nhớ giữa thành phố mà có 1,2 cái nhà được dựng lên tạm bợ trên mấy cái cây Ban, có lần khi giơ điện thoại lên định chụp ảnh, một cặp mắt sáng quắc nhìn tôi chằm chằm, cứng đơ người mất vài giây rồi chạy. Ôi nó ám ảnh tôi cả mấy ngày ở ĐB, không dám đi qua góc phố đó nữa, dù đó là trục đường chính của tp. Điện Biên yên tĩnh, nếu không nói là buồn, ảm đạm. Ngoài những tàn tích của chiến tranh, nhưng khu thăm quan được dựng lại để tưởng nhớ người xưa thì Điện Biên chính là Điên Biên, một TP Tây Bắc, gần biên giới, nhiều lính hơn dân. 











Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PsyBooks - Trắc ẩn với chính mình của Kristin Neff & Christopher Germer

PsyBooks: Self Compassion - The Proven Power of Being Kind to Yourself của Kristin Neff